Mục tiêu ban đầu của EVNNPC là trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025 tuy nhiên dịch bệnh Covid-19 đã thôi thúc mục tiêu này đến sớm hơn dự kiến. Mặc dù mới là bước đầu song chuyển đổi số đã mang lại rất nhiều lợi ích, chiếm được sự tin yêu của khách hàng, cải thiện năng suất lao động; Tạo ra một bước chuyển mình đầy trí tuệ và tạo tiền đề thực hiện cam kết trở thành doanh nghiệp số vào cuối năm 2022.
Khánh thành đưa vào sử dụng Trung tâm điều khiển xa
Trong khâu quản lý vận hành hệ thống điện, các Trung tâm điều khiển xa được đầu tư đưa vào sử dụng; Tại đây thiết bị điện tử thông minh và mạng viễn thông cho phép kết nối để điều khiển từ xa tới các trạm biến áp 110 kV mà không cần người trực. Bằng cách này người thợ điện không còn phải từng ngày từng giờ tiếp xúc với nguồn điện cao áp vừa nguy hiểm vừa mất nhiều công lao động.
Trong khâu đào tạo nội bộ với chủ trương “Học tập suốt đời” người thợ điện được đào tạo trực tuyến, được học tập mọi lúc mọi nơi, các “không gian mở” như Elearning, hệ thống zoom được triển khai rộng khắp. Cùng với đó là “Thư viện trực tuyến” với khối lượng kiến thức khổng lồ được biên soạn bởi các kỹ sư chuyên ngành cho phép soạn thảo một lần nhưng sử dụng nhiều lần, có tác dụng với nhiều người. Nhờ đó người thợ điện có thể tự học, tự nghiên cứu để nâng cao khả năng chuyên môn, góp phần tạo ra một đội ngũ người lao động “Giỏi một nghề, biết nhiều nghề” từng bước xúc tiến và hoàn thiện chủ trương “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”
Lắp đặt công tơ điện tử đo xa tới từng ngõ phố
Trong công tác kinh doanh bán điện với công tơ điện tử đo xa người thợ điện chỉ cần ngồi một chỗ là đã thu thập được đầy đủ thông tin về tình hình sử dụng điện của khách hàng, vừa thuận tiện vừa chính xác, giờ đây các hiện tượng như ghi sai, ghi thiếu chỉ số công tơ gần như được loại bỏ. Đã vậy khách hàng còn có thể được ngành Điện chia sẻ thông tin về tình hình sử dụng điện của gia đình mình, từ đó giúp khách hàng kịp thời điều chỉnh cách thức sử dụng điện sao cho hợp lý và không còn phải thụ động trong việc thanh toán tiền điện vào cuối mỗi kỳ
Dịch vụ điện trực tuyến cũng đang được triển khai mạnh mẽ, giờ đây khách hàng chỉ cần truy cập vào Cổng dịch vụ công Quốc gia hoặc một số trang mạng xã hội khác là có thể đăng ký lắp đặt mới công tơ mà không cần phải đến các trụ sở Điện lực. Ngay cả khi có phát sinh chi phí, khách hàng cũng có thể thanh toán với ngành Điện bằng dịch vụ điện cấp độ 4, vừa an toàn vừa chính xác.
Thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt cũng đang được rộng mở, ngành Điện làm đầu mối ký kết hợp tác với các Ngân hàng, thu hút, thúc đẩy khách hàng sử dụng điện mở tài khoản ở Ngân hàng để được cho vay thanh toán tiền điện tự động hàng tháng cũng như mua sắm các hàng hóa dịch vụ thiết yếu khác mà không nhất thiết phụ thuộc vào tiền mặt.
Ký kết hợp tác thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt
Cùng với sản xuất, công tác chuyển đổi số còn được đẩy mạnh với việc áp dụng triệt để Văn phòng điện tử Eoffice 3.0 của EVN tại tất cả các đơn vị. Giờ đây thông qua hệ thống này các phòng ban đơn vị và mỗi CBCNV đều có thể cập nhật nắm bắt thông tin, thực hiện nhiệm vụ sản xuất một cách nhanh chóng. Với tính năng trực quan dễ sử dụng Eoffice 3.0 là nền tảng để các văn bản được khởi tạo, tra cứu, tìm kiếm chính xác, bảo mật. Các thành viên có thể theo dõi tiến độ, nắm bắt kịp thời các công việc được giao; dễ dàng sắp xếp công việc cũng như nhắc nhở, đôn đốc đưa ra ý kiến cho từng nội dung, từng bộ phận. Vận hành tốt Eoffice 3.0 chúng ta hoàn toàn chủ động trong thực hiện, theo dõi các Lịch công tác tuần, triển khai các văn bản nội bộ, lập hồ sơ công việc. Giờ đây người dùng chỉ cần tác nghiệp trên máy tính là đã nắm được đầy đủ thông tin, tiến độ công việc mà không phải mất thời gian di chuyển để giám sát. Vận hành tốt Eoffice 3.0 chúng ta còn triển khai được đầy đủ, kịp thời các chỉ đạo của cấp trên cũng như tác nghiệp khoa học các công việc của chính mình, từ đó nâng cao năng suất lao động, hạn chế tiếp xúc ngăn ngừa lây lan dịch bệnh.
Thời tiết còn khó lường, dịch bệnh còn trái ngang, song với sự trợ giúp tích cực của “công nghệ số” chúng ta có thể tự tin nghĩ về một tương lai đầy hứa hẹn. Thời gian qua mặc dù mới chỉ là bước đầu song tiến trình số hóa đã trợ giúp ngành Điện cải thiện rất nhiều về mặt kỹ thuật công nghệ làm tăng năng suất lao động. Từ đó sẽ là không ngoa khi nói chuyển đổi số là “Bước chuyển mình trí tuệ” của ngành Điện Việt Nam./.
Bùi Hảo Trường - PC Thái Bình